Từ khi thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao la, nhiệm vụ tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho người dân vùng đệm được Khu bảo tồn ưu tiên hàng đầu song song với tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ các loại bẫy thú… nhằm giảm thiểu tối đa các mối đe doạ đến các loài hoang dã tại Khu bảo tồn Sao la. Trong những năm qua Khu bảo tồn đã thực hiện tuyên truyền cho nhiều đối tượng từ cán bộ, công chức cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng động và đến toàn thể nhân dân các xã vùng đệm cũng như học sinh các cấp trong vùng với đa dạng hình thức khác nhau như tuyên truyền miệng qua thông qua họp thôn, toạ đàm cùng với cán bộ, công chức xã, già làng, trưởng bản, tổ chức các đêm văn nghệ tại các điểm xã, tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu về rừng và loài Sao la” tại các trường học trên địa bàn các xã vùng đệm.
Thực hiện lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bằng những sáng kiến, cách làm hay, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la đang dần thay đổi nhận thức của người dân vùng đệm thông qua mô hình “Truyền thông công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học đến các hộ gia đình vùng đệm”.
Cách tiếp cận mới
Đi từng ngõ, gõ từng nhà để gặp và nói chuyện trực tiếp với người dân, để tuyên truyền, vận động người dân không săn bẫy bắt động vật hoang dã, không khai thác lâm sản, không phá, lấn chiếm rừng tự nhiên để làm nương rẫy và qua đó cán bộ Khu bảo tồn kịp thời tiếp nhận được những tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhu cầu về hỗ trợ để phát triển sinh kế, nắm bắt được những thông tin về các đối tượng hay vi phạm đến tài nguyên rừng trên địa bàn…..đó là những những việc làm thường xuyên, không quản ngại mưa, nắng của 04 Tổ Bảo vệ rừng từ tháng 5/2023 cho đến nay.
Tổ BVR số 1 tuyên truyền tại hộ gia đình thôn Bhơhồông, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang. Ảnh: Khu bảo tồn loài Sao la
Anh Văn Công Nhật, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng số 1 cho biết: “Với mô hình truyền thông đến với từng hộ gia đình, tôi thấy đây là một mô hình mới, phù hợp với thực trạng hiện nay, mô hình truyền thông này được người dân ủng hộ và thích thú, đây cũng là cơ hội cho chúng tôi được gặp trực tiếp để trao đổi, chia sẻ thông tin, những câu chuyện hay, ý nghĩa trong công tác quản lý bảo vệ rừng với người dân, dần dần sẽ thay đổi được nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học”.
Với lực lượng nòng cốt là 20 thành viên thuộc 04 Tổ Bảo vệ rừng (mỗi tổ 05 người), qua hơn 01 năm triển khai hoạt động truyền thông trên địa bàn 16 cộng đồng vùng đệm, đến nay 04 Tổ Bảo vệ rừng đã tổ chức 68 đợt truyền thông đến 408 hộ gia đình, trao 408 suất quà (Mỗi suất quà gồm: 01 chai nước mắm, 01 chai dầu ăn, 01 gói mì chính). Tuy suất quà có giá trị không lớn, nhưng cũng là cầu nối để tiếp cận, trao đổi, chia sẻ thông tin với người dân.
“Với cách tuyên truyền đến từng hộ gia đình trong thời gian của các Tổ Bảo vệ rừng có thể khẳng định rằng đây là cách tốt nhất để kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ rừng đến người được hiệu quả rõ ràng hơn, sự trao đổi, hỏi đáp từng vấn đề liên quan giữa người dân và cán bộ tuyên truyền cởi mở và gần gủi hơn, qua đó các nội dung cũng được phản hồi, giải thích tỉ mỉ và cụ thể hơn”. Anh Blúp Hốc – Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng số 4 cho biết.
Kỳ vọng vào cách làm hay
Việc triển khai mô hình truyền thông đến hộ gia đình là hình thức tiếp cận mới trong công tác tuyên truyền miệng, ban đầu triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng của các Tổ bảo vệ rừng đến nay hoạt động truyền thông đã dần đi vào trong cuộc sống của người dân, góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức cho người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động – thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la chia sẻ: “Để công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn hiệu quả thì cần sự vào cuộc, chung tay của nhiều bên, trong đó người dân là chủ thể đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Để thay đổi nhận thức của người dân không thể là việc làm trong ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình, qua nhiều năm Khu bảo tồn Sao la đã kiên trì với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tôi tin tưởng rằng giải pháp truyền thông đến hộ gia đình sẽ mang lại hiệu quả cao trong thay đổi nhận thức cho người dân”.
Ông nhấn mạnh thêm “Hoạt động truyền thông đến hộ gia đình là hoạt động dễ thực hiện, tuy có tốn nhiều thời gian và kinh phí so với tuyên tuyền tập trung theo từng thôn nhưng mang lại hiệu quả cao, nhờ giải thích, giải đáp cũng như cập nhật phổ biến các chính sách, quy định pháp luật của nhà nước kịp thời đến với từng người dân, do vậy việc nhân rộng mô hình tuyên truyền này đến các Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn khả thi”.
Nguyễn Chánh Thi – Trưởng phòng NVTH&QLBVR Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam