Chức năng, nhiệm vụ

Chức năng

Tham mưu cho Giám đốc Ban Quản lý xây dựng các phương án, kế hoạch trung và dài hạn để trình cấp trên phê duyệt. Thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên toàn lâm phận của Ban Quản lý. Xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững; tuần tra; giám sát đa dạng sinh học; tuyên truyền hàng tháng, quý, năm. Xây dựng chương trình, phương án, dự án đầu tư phát triển vùng đệm, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ đạo các Tổ tuần tra bảo vệ rừng, các Chốt Quản lý bảo
vệ rừng địa bàn tổ chức tuần tra, truy quét, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ phát triển rừng và các hoạt động liên quan khác theo quy định của pháp luật. Đảm bảo phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Ban Quản lý.

Nhiệm vụ

* Lĩnh vực Kế hoạch – Kỹ thuật

– Tham mưu xây dựng phương án, kế hoạch trung và dài hạn để Ban Quản lý trình cấp trên phê duyệt;

– Tham mưu và thực hiện các hoạt động về điều tra, giám sát đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn;

– Tham mưu xây dựng chương trình, phương án, dự án đầu tư phát triển vùng đệm, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện;

– Chỉ đạo, vận động hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng; theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình thuộc dự án nông, lâm nghiệp;

– Theo dõi, cập nhật, báo cáo kết quả tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn trên công cụ Smart, Locus Map và các công cụ giám sát khác;

– Tổ chức hoạt động các dịch vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao cho đơn vị; thực hiện các dự án tài trợ;

– Phối hợp với Phòng Hành chính – Tổng hợp và Dịch vụ môi trường rừng xây dựng các hợp đồng giao khoán thực hiện dịch vụ môi trường rừng;

– Xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn định kỳ hằng năm cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;

– Tham mưu các báo cáo chuyên môn theo lĩnh vực phân công hàng tháng, quý, năm.                                                                                 

* Lĩnh vực tuyên truyền                                                                                                                                                                                     

– Xây dựng Kế hoạch và chuẩn bị nội dung tổ chức các cuộc thi như: Tìm hiểu về rừng, loài Sao la, bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo vệ môi trường tại các trường học trên địa bàn;

– Xây dựng Kế hoạch và phối hợp với UBND các xã thuộc vùng đệm Khu bảo tồn tổ chức các đêm diễn văn nghệ mang thông điệp quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các buổi: Tọa đàm với các già làng, trưởng thôn, bí thư thôn, người có uy tín, lãnh đạo xã với các nội dung như “Chia sẻ giá trị khu bảo tồn, các hành vi bị nghiêm cấm và tìm kiếm định hướng chung tay bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”;

– Xây dựng Kế hoạch và phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương, các chủ rừng giáp ranh tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền về quản lý bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường rừng tại các xã vùng đệm Khu bảo tồn.

– Xây dựng nội dung, phối hợp với Đài truyền thanh địa phương thực hiện các hoạt động phát thanh về công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các hoạt động dịch vụ môi trường rừng;

– Quản lý và vận hành Website của Ban Quản lý.

* Lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng

– Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các Tổ tuần tra bảo về rừng, các Chốt Quản lý bảo vệ rừng địa bàn thực hiện kế hoạch về tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng trên toàn lâm phận được giao. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát lâm phận, phát hiện ngăn chặn và đề nghị xử lý các vi phạm về: xâm canh; lấn chiếm đất đai; chặt phá rừng làm nương rẫy; săn bắt và buôn bán động vật hoang dã; khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm, khoáng sản trái phép; thực hiện công tác phòng cháy
chữa cháy rừng;

– Vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng và theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện việc phát hiện ngăn chặn và xử lý các hiện tượng xâm canh, lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã, khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép trên toàn lâm phận được giao;

– Thực hiện quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương về công tác kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại đến rừng;

– Phối hợp với Phòng Hành chính – Tổng hợp và Dịch vụ môi trường rừng thực hiện: công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đề nghị xử lý các cộng đồng nhận khoán vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng; thực hiện các chương trình, dự án phát triển vùng đệm;

– Hướng dẫn và tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức ký cam kết đối với các hộ gia đình trong công tác đăng ký phát, đốt nương rẫy trong mùa hanh khô;

– Phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, thôn bản, xã, các chủ rừng giáp ranh và các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và PCCCR;

– Xác lập hồ sơ ban đầu các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên toàn lâm phận được giao báo cáo lãnh đạo Ban quản lý để đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

– Tham mưu các báo cáo chuyên môn theo lĩnh vực phân công hàng tháng, quý, năm;

– Chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên toàn lâm phận được giao.

* Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp và cây dược liệu

– Trực tiếp triển khai sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp và các loài cây dược liệu có nguồn gốc được công nhận.

– Tổ chức theo dõi và quản lý các hồ sơ về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp và các loài cây dược liệu;

– Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp và dược liệu trong quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và dược liệu theo quy định của ngành.

– Thực hiện báo cáo về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp và dược liệu theo quy định. Phối hợp với Phòng Hành chính – Tổng hợp và Dịch vụ môi trường rừng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

– Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Giám đốc Ban Quản lý phân công.

Cơ cấu tổ chức và biên chế

* Cơ cấu tổ chức

– Phòng NVTH&QLBVR Ban quản lý Khu bảo tồn loài Sao la có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và viên chức, hợp đồng lao động.

– Trưởng phòng chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của Phòng; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ban quản lý và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng.

– Phó Trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng chỉ đạo, điều hành một số mặt công tác được phân công; chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

– Viên chức chuyên môn nghiệp vụ, người lao động thực thi nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

* Biên chế, lao động

– Biên chế của Phòng NVTH&QLBVR Ban quản lý là biên chế viên chức do Giám đốc Ban quản lý phân bổ trong tổng biên chế được Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Ban quản lý

– Ngoài ra Phòng NVTH&QLBVR còn có lao động hợp đồng do đơn vị tuyển dụng.